An Giang là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Việt Nam. Đây cũng là tỉnh đông dân và có tốc độ phát triển nhanh nhất trong vùng. Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của kinh tế cả nước thì nền kinh tế của tỉnh An Giang cũng ngày càng phát triển. An Giang còn là tỉnh có tiềm lực mạnh về ngoại thương và dân số đông. Do vậy mà chính quyền địa phương rất quan tâm trong việc quy hoạch. Vậy quy hoạch chung của tỉnh An Giang đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 có những điểm gì nổi bật? Hãy cùng Nhà đất Club tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Cuối tháng 10/2021, UBND tỉnh An Giang đã tổ chức hội nghị báo cáo đầu kỳ lập quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với chủ đề: “Xây dựng khung chiến lược phát triển tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” theo hình thức trực tuyến.
Phạm vi quy hoạch
Phần lãnh thổ tỉnh An Giang với tổng diện tích tự nhiên là 3.536,7 km2.
- Phía Tây Bắc giáp Vương quốc Campuchia
- Phía Nam và Tây Nam giáp tỉnh Kiên Giang
- Phía Đông Nam giáp thành phố Cần Thơ
- Phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Tháp
Có tọa độ địa lý: từ 10°20’07” đến 10°34’23” vĩ độ Bắc và 104°47’20” đến 105°35’10” kinh độ Đông.
Thời kỳ quy hoạch
- Thời kỳ quy hoạch: 2021 – 2030.
- Tầm nhìn dài hạn: đến năm 2050. Mục tiêu phát triển
Mục tiêu phát triển
Giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh sẽ tập trung vào nhiệm vụ cụ thể hóa Quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long; quy hoạch tổng thể phát triển KT XH vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL và cụ thể hóa chiến lược phát triển KTXH tỉnh An Giang.
Tính chất và chức năng vùng của tỉnh An Giang
Nằm ngay cửa ngõ kết nối giao thương các vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tp. Hồ Chí Minh và vùng Campuchia. Tỉnh An Giang nắm giữ tính chất và chức năng vô cùng quan trọng:
- Là một trong các vùng kinh tế động lực của cả nước về nông sản, thủy sản chất lượng cao, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL – có vai trò là đầu tàu tăng trưởng của vùng ĐBSCL.
- Là tỉnh phát triển đô thị – công nghiệp tập trung, trung tâm thương mại dịch vụ đa ngành cấp vùng
- Vùng phát triển nông nghiệp chuyên canh, nông nghiệp công nghệ cao
- Vùng phát triển du lịch tín ngưỡng, du lịch sinh thái, văn hóa lễ hội
- Có vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh quốc phòng.
Quy mô dân số
- Đến năm 2020: dân số toàn tỉnh khoảng 2.300.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 870.000 – 940.000 người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 36 – 40%.
- Đến năm 2030: dân số toàn tỉnh khoảng 2.550.000 – 2.800.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 1.020.000 – 1.100.000 người, tỷ lệ đô thị khóa khoảng 40 – 42%.
Quy mô đất xây dựng đô thị
- Đến năm 2020: khoảng 13.000 – 14.000 ha (150m2/người)
- Đến năm 2030: khoảng 15.000 – 16.000 ha (150m2/người)
Quy mô đất xây dựng công nghiệp (khu công nghiệp và cụm công nghiệp)
- Đến năm 2020: khoảng 1.300 – 1.500 ha
- Đến năm 2030: khoảng 2.000 – 2.200 ha
Quy hoạch phân vùng phát triển kinh tế
Quy hoạch vùng tỉnh An Giang được phân thành 3 tiểu vùng phát triển kinh tế cụ thể:
Tiểu vùng 1: Tiểu vùng trung tâm
Nằm phía tây nam của tỉnh, bao gồm: Tp. Long Xuyên, huyện Châu Thành, huyện Thoại Sơn. Trung tâm tiểu vùng là Tp. Long Xuyên.
Tiểu vùng 1 là vùng trung tâm về hành chính – chính trị – kinh tế – văn hóa – giáo dục – khoa học – công nghiệp – nông nghiệp của tỉnh.
Trên địa bàn tiểu vùng kết nối thuận lợi với các trục hành lang kinh tế quốc gia trọng điểm như: Quốc lộ 91, Quốc lộ 80, Quốc lộ N2, sông Hậu.
Tiểu vùng 2: tiểu vùng phát triển nông nghiệp – thủy sản
Nằm ở phía đông bắc và đông nam của tỉnh, bao gồm: Thị xã Tân Châu, huyện Phú Tân, huyện chợ Mới, một phần huyện An Phú (ranh giới là bờ Đông sông Hậu). Trung tâm tiểu vùng là Thị xã Tân Châu và Thị trấn Chợ Mới.
Tiểu vùng 2 phát triển nông nghiệp đa ngành và nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, tiểu vùng nằm giữa 2 dòng sông Tiền và sông Hậu, có khu du lịch Cù Lao Giêng, chùa Giồng Thành, thánh đường Mubarak,… có tiềm năng phát triển du lịch.
Tiểu vùng 3: tiểu vùng phát triển kinh tế phía tây
Nằm ở phía tây tỉnh, bao gồm: TP. Châu Đốc, thị xã Tịnh Biên, huyện Châu Phú, huyện Tri Tôn, một phần huyện An Phú (ranh giới bờ Tây Sông Hậu). Trung tâm tiểu vùng là Tp. Châu Đốc.
Toàn bộ ranh giới phía bắc của tiểu vùng là biên giới với Campuchia, có 3 cửa khẩu: cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên, cửa khẩu chính Khánh Bình, cửa khẩu Vĩnh Hội Đông.
Tiểu vùng kết nối thuận tiện với các trục hành lang kinh tế quốc gia: tuyến N1, Quốc lộ 91, Quốc lộ 91C, đường Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, nối với Quốc lộ 2, Quốc lộ 21 của Campuchia.
Quy hoạch giao thông tỉnh An Giang
Giao thông đối ngoại:
- Đường cao tốc: Châu Đốc (An Giang) – Cần Thơ – Sóc Trăng dài 145km, quy mô 4 làn xe
- Quốc lộ 91: nâng cấp, cải tạo đoạn từ Tp. Cần Thơ đến Lộ Tẻ dài 52km, đạt tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, quy mô 2 làn xe
- Quốc lộ 91C: nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp 4 đồng bằng, quy mô 2 làn xe
- Tuyến N1: hoàn thiện xây dựng, nâng cấp toàn tuyến tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp 4 đồng bằng, quy mô 2 làn xe
- Đường tỉnh 941 và tuyến Tri Tôn – Vàm Rầy nâng cấp thành quốc lộ
- Quốc lộ 80B: trên cơ sở định hướng nâng cấp đường tỉnh 942, đường tỉnh 952, đường tỉnh 954
Giao thông trong tỉnh:
- Đường tránh Quốc lộ 91 qua Tp. Long Xuyên, xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 4 đồng bằng
- Đường tránh thị trấn Cái Dầu, xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 4 đồng bằng
- Tỉnh lộ: hệ thống tịnh lộ nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cấp 4 đồng bằng: đường tỉnh 941, đường tỉnh 943, đường tỉnh 944, đường tỉnh 945, đường tỉnh 946, đường tỉnh 947, đường tỉnh 948, đường tỉnh 951, đường tỉnh 957, đường tỉnh 955A, đường tỉnh 955B,…
Hệ thống giao thông đường thủy:
- Sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao thuộc cấp đặc biệt
- Kênh Xáng Tân Châu – Châu Đốc thuộc cấp 1
- Kênh Tám Ngàn, kênh Vĩnh Tế, kênh Tri Tôn, kênh Vịnh Tre, kênh Long Xuyên – Rạch Giá thuộc cấp 3
Hệ thống bến cảng:
- Khu bến Mỹ Thới cho tàu tải trọng lớn nhất 10.000 DWT
- Cảng Bình Long – Châu Phú cho tàu tải trọng lớn nhất 3000 DWT
- Cảng Tân Châu xây mới cho tàu tải trọng lớn nhất 5000 DWT
- Cảng KCN Bình Hòa cho tàu tải trọng 2000 DWT
- Xây dựng mới cảng Long Bình – An Phú cho tàu tải trọng lớn nhất 2000 DWT
Giao thông đường hàng không:
Sân bay An Giang: đạt cấp 3C theo tiêu chuẩn ICAO, là sân bay nội địa, quy mô đường băng 1,85kmx45m (đảm bảo hoạt động khai thác máy bay ATR72 hoặc tương đương).
Thông tin quy hoạch đường vành đai tỉnh An Giang
Đường vành đai tỉnh An Giang hay tuyến vành đai Tp. Long Xuyên là đoạn đường vành đai 4/Quốc lộ N2 đi qua địa phận tỉnh An Giang. Nằm trong giai đoạn 2 của dự án đường Vành đai 4, đường vành đai tỉnh An Giang thuộc đoạn Mỹ An – Vàm Cống, tổng chiều dài đoạn này là 49km.
Theo thông tin từ HĐND tỉnh, Bộ GTVT và tỉnh An Giang thống nhất dự kiến ngày 10/1/2022 sẽ khởi công dự án đường tránh TP Long Xuyên 2.100 tỷ đồng. Trong đó, BQL dự án Mỹ Thuận là đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng Tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên (gọi tắt tuyến tránh Long Xuyên).
Đường vành đai tỉnh An Giang sẽ được chia thành 3 gói thầu xây lắp là CW4A, CW4B và CW4C. Trong năm 2022 và 2023, Gói thầu CW4C xây dựng đoạn tuyến Km17+500 ÷ Km23+561,22 thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh TP Long Xuyên với giá trị hợp đồng hơn 413 tỷ đồng sẽ được thực hiện.
Ngoài chức năng giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, đảm bảo giao thông đường bộ thông suốt, liên tục trên Quốc lộ 91 đoạn qua TP Long Xuyên, tuyến tránh còn là dự án góp phần thúc đẩy kết nối hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, đảm bảo an toàn giao thông khu vực ĐBSCL, đặc biệt rút ngắn thời gian từ TP Châu Đốc về cầu Vàm Cống và giảm kẹt xe trong nội thị của TP Long Xuyên.
Song song với đó, đường vành đai tỉnh An Giang còn hỗ trợ phát huy hiệu quả của các dự án đã và đang được triển khai thực hiện như cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, tuyến nối cầu Cao Lãnh – cầu Vàm Cống và tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi đã được đầu tư.
Theo thông tin mới nhất từ UBND tỉnh An Giang, với sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và Sở Giao thông, đơn vị nhà thầu đang rút ngắn lại tiến độ công tác giải phóng mặt bằng tuyến nối Quốc lộ 91 với đường tránh TP. Long Xuyên, dự kiến từ tháng 3-2019 đến tháng 12-2019. Để đầu năm 2020, tuyến đường nối Quốc lộ 91 với đường tránh TP. Long Xuyên sẽ được khởi công, đầu năm 2022 hoàn thành, đưa vào sử dụng nhằm thúc đẩy cho kinh tế tỉnh An Giang phát triển.
Trên đây là các thông tin quy hoạch chung của tỉnh An Giang đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050. Quý nhà đầu tư có thể tham khảo thêm để có những định hướng đầu tư tốt nhất. Nhà đất Club sẽ liên tục cập nhật các thông tin về quy hoạch, dự án bất động sản tại tỉnh An Giang nói riêng và các tỉnh thành khác trên cả nước nói chung để các nhà đầu tư theo dõi.