Kiên Giang là tỉnh ven biển thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long ở phía Nam Việt Nam. Tỉnh có diện tích lớn nhất khu vực Tây Nam Bộ. Trong đó, huyện đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang thu hút nhiều sự quan tâm của du khách và các nhà đầu tư. Dưới đây là thông tin bản đồ quy hoạch chi tiết tỉnh Kiên Giang năm 2025 giúp các nhà đầu tư nắm bắt thị trường.
Phạm vi lập quy hoạch tỉnh Kiên Giang
Kiên Giang nằm ở khu vực phía Tây Nam của Việt Nam, sở hữu bộ phận hải đảo và đất liền. Ranh giới lập bản đồ quy hoạch tỉnh Kiên Giang được xác định bởi Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang dựa trên địa giới hành chính hiện hữu thực tế của tỉnh. Bản đồ quy hoạch tỉnh Kiên Giang với tổng diện tích khoảng 6.348 km2.
Tỉnh Kiên Giang được phân chia thành 15 đơn vị hành chính cấp huyện bao gồm thành phố Rạch Giá, thành phố Hà Tiên, thành phố Phú Quốc, huyện Giang Thành, huyện Kiên Lương, huyện Hòn Đất, huyện Tân Hiệp, huyện Châu Thành, huyện Giồng Riềng, huyện Gò Quao, huyện An Biên, huyện An Minh, huyện Vĩnh Thuận, huyện U Minh Thượng và huyện Kiên Hải. Phạm vi giới hạn tỉnh Kiên Giang được xác định như sau:
- Hướng Bắc tiếp giáp tỉnh Kampot, Campuchia
- Hướng Nam tiếp giáp tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau
- Hướng Đông tiếp giáp tỉnh An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ
Quy hoạch chi tiết tỉnh Kiên Giang đến năm 2030
Định hướng phát triển không gian vùng:
Định hướng chung:
Tổ chức và phát triển không gian theo 04 phân vùng lãnh thổ, gắn kết với sự phát triển của hành lang kinh tế ven biển Tây. Hình thành các trung tâm tăng trưởng và các trục tăng trưởng để lan tỏa các không gian đầu tư phát triển mới trên địa bàn các huyện và hải đảo.
Định hướng phân vùng phát triển:
a) Vùng Tứ giác Long Xuyên:
- Là vùng đô thị công nghiệp du lịch thương mại dịch vụ và một phần sản xuất nông nghiệp;
- Phạm vi bao gồm: thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên, huyện Kiên Lương, huyện Hòn Đất và một phần các huyện Tân Hiệp, Châu Thành;
- Ưu tiên phát triển thành phố Rạch Giá vai trò là đô thị trung tâm, tạo động lực phát triển toàn vùng; khai thác, xây dựng phát triển dịch vụ du lịch; xây dựng các khu, cụm công nghiệp; phát triển cảng biển, dịch vụ cảng và kinh tế thủy sản. Tập trung phát triển không gian kinh tế Kiên Lương Hà Tiên (đô thị -du lịch dịch vụ tổng hợp công nghiệp). Phát triển khu vực Hòn Đất trở thành trung tâm nông sản lớn của tỉnh.
b) Vùng Tây sông Hậu:
- Là vùng chuyên canh cây lúa chất lượng cao và chế biến nông thủy sản;
- Phạm vi bao gồm: một phần huyện Tân Hiệp, Châu Thành và toàn bộ huyện Giồng Riềng, Gò Quao;
- Phát triển kinh tế nông nghiệp, các vùng chuyên canh có giá trị kinh tế cao như lúa cao sản, cây công nghiệp ngắn, dài ngày, vùng cây ăn quả, chăn nuôi. Xây dựng, phát triển du lịch đồng quê gắn với khai thác kinh tế sông Cái Lớn, sông Cái Bé. Phát triển đô thị Minh Lương với vai trò là trung tâm kinh tế tổng hợp của vùng; đô thị Tân Hiệp vai trò là trung tâm dịch vụ trung chuyển kết nối Rạch Giá với các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long; đô thị Giồng Riềng trở thành trung tâm chế biến nông sản lớn của tỉnh.
c) Vùng Bán đảo Cà Mau:
- Là vùng hỗn hợp sản xuất và chế biến nông lâm thủy sản;
- Phạm vi bao gồm các huyện An Minh, An Biên, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận;
- Phát triển kinh tế đa dạng nông lâm thủy sản. Tập trung bảo vệ, duy trì phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng đặc dụng và rừng sản xuất. Khai thác, xây dựng, phát triển du lịch sinh thái rừng, đặc biệt là phát huy giá trị du lịch của rừng đặc dụng di tích kháng chiến U Minh Thượng. Phát triển đô thị Thứ Bảy là vai trò trung tâm kinh tế tổng hợp, hạt nhân phát triển toàn vùng.
d) Vùng hải đảo:
- Là vùng du lịch sinh thái biển đảo cao cấp và khai thác thủy hải sản;
- Phạm vi bao gồm huyện Kiên Hải và Phú Quốc;
- Phát triển kinh tế biển toàn diện về du lịch biển, nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản. Xây dựng đảo Phú Quốc trở thành thành phố du lịch biển đảo tầm cỡ quốc gia và khu vực; hình thành và phát triển các đô thị Nam Du, Hòn Tre nhằm thúc đẩy phát triển vùng hải đảo thông qua đó gắn kết với phát triển vùng đất liền.
Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông
Giao thông
Giao thông đối ngoại
a) Hiện trạng, nâng cấp:
Đường bộ:
+ Đường Hồ Chí Minh: đoạn qua tỉnh Kiên Giang gồm hướng tuyến dọc Quốc lộ 80 đến Rạch Sỏi, dọc Quốc lộ 61 đến Gò Quao, dọc liên Tỉnh lộ 12 đến Vĩnh Thuận và nối với Quốc lộ 63 đến Cà Mau;
+ Quốc lộ 80 hiện trạng: nâng cấp đoạn tuyến từ Rạch Giá đến Cần Thơ, xây dựng đạt cấp II, cấp I đồng bằng. Nâng cấp đoạn từ Rạch Giá đi Hà Tiên trở thành bộ phận của đường cao tốc Hà Tiên Rạch Giá Bạc Liêu. Các đoạn tuyến hiện nay từ Kiên Lương đến Hà Tiên chuyển sang là đường trục chính phục vụ du lịch, đoạn quốc lộ mới dịch tuyến sâu vào đất liền (về phía Đông);
+ Quốc lộ 63: được nâng cấp là bộ phận của đường hành lang ven biển phía Nam (tuyến đường xuyên Á ven biển);
+ Quốc lộ 61: được nâng cấp là bộ phận của đường Hồ Chí Minh, đạt cấp III đồng bằng, dự phòng quỹ đất để nâng cấp II ở giai đoạn sau;
+ Đường hành lang biên giới: nâng cấp cả tuyến và hoàn chỉnh hệ thống cầu cống trên tuyến, đảm bảo yêu cầu thoát lũ, gắn kết thuận lợi giữa khu vực cửa khẩu Giang Thành với cửa khẩu Xà Xía, Hà Tiên.
Đường thủy:
+ Cảng hành khách: bố trí đầu mối chính tại Rạch Giá, Hà Tiên và Phú Quốc;
+ Cảng hàng hóa: nâng cấp cụm cảng Hòn Chông, cảng Rạch Giá và cảng Nam Du.
Đường hàng không: nâng cấp sân bay Rạch Giá, đạt cấp 4C (theo ICAO).
b) Tuyến bố trí mới:
Đường bộ:
+ Quốc lộ mới đoạn chạy dọc kênh Vĩnh Tế đi Châu Đốc thành đường quốc lộ có vai trò gắn kết hệ thống cửa khẩu;
+ Quốc lộ mới trục dọc kênh N1, nối từ Quốc lộ 80 đến Quốc lộ 91 tại huyện Cái Dầu An Giang, là trục nối với hệ thống cảng biển chính của Kiên Giang, đáp ứng yêu cầu đối ngoại của tỉnh An Giang;
+ Đường cao tốc Hà Tiên Rạch Giá Bạc Liêu: đoạn qua tỉnh Kiên Giang, từ Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên đến thành phố Rạch Giá có hướng tuyến trùng với Quốc lộ 80. Đoạn xây dựng mới từ thành phố Rạch Giá đến các huyện Châu Thành, Giồng Riềng và Gò Quao qua huyện Long Mỹ Hậu Giang đến tỉnh Bạc Liêu.
Đường thủy: tiếp tục nâng cấp hệ thống các tuyến đường thủy chính của vùng; Xây dựng cảng Nam Du, khu neo đậu tránh bão tại đảo Hòn Tre.
Đường hàng không: xây dựng cảng hàng không quốc tế tại xã Dương Tơ, huyện đảo Phú Quốc.
Giao thông nội tỉnh
a) Tuyến nâng cấp
Đường bộ: nâng cấp các Tỉnh lộ 11, 933 và 16 hiện có; hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn tới từng cụm dân cư;
Đường thủy: tiếp tục nâng cấp, hoàn chỉnh mạng lưới đường thủy nội tỉnh, gắn kết chặt chẽ với xây dựng hệ thống đường bộ, công trình phục vụ kho bãi, bến thuyền, cầu tàu…;
Đường hàng không: nâng cấp sân bay Bà Lý tại Hà Tiên thành sân bay trực thăng kết hợp sân bay taxi.
b) Tuyến bố trí mới:
Đường bộ:
+ Tỉnh lộ xây dựng mới: gồm 10 tuyến, giai đoạn đầu xây dựng đạt tiêu chuẩn cấp IV đồng bằng, hành lang và chỉ tiêu kỹ thuật phù hợp với cấp III trong tương lai;
+ Đường đô thị, đường trong khu công nghiệp, khu du lịch bố trí theo tiêu chuẩn kỹ thuật và quy hoạch xây dựng được duyệt.
Đường thủy: xây dựng các khu neo đậu tránh bão cho tàu cá theo quy hoạch ngành giao thông vận tải;
Đường hàng không: xây dựng sân bay trực thăng kết hợp sân bay taxi tại Kiên Lương.
Như vậy, Nhà đất Club vừa giới thiệu với các bạn quy hoạch chi tiết vùng và quy hoạch giao thông của tỉnh Kiên Giang đến năm 2025. Hi vọng các thông tin này sẽ phần nào giúp các bạn có định hướng đầu tư tốt hơn ở khu vực này. Hãy truy cập website nhadatclub.com để thường xuyên cập nhật các tin tức về quy hoạch, dự án bất động sản của 63 tỉnh thành.