Bạc Liêu là một tỉnh thuộc duyên hải vùng đồng bằng Sông Cửu Long và nằm trên bán đảo Cà Mau thuộc cực Nam của nước ta. Tỉnh Bạc Liêu bị giải thể và tái lập nhiều lần cho đến lần cuối cùng là năm 1997. Bạc Liêu là tỉnh có tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh chóng và đạt được nhiều thành tựu. Với định hướng phát triển kinh tế – xã hội rõ ràng, phấn đấu đưa Bạc Liêu đứng vào tốp các tỉnh khá trong khu vực và trung bình khá của cả nước nên cơ quan địa phương đã đưa ra nhiều kế hoạch phát triển và các đề án quy hoạch cụ thể. Để tìm hiểu bản đồ quy hoạch tỉnh Bạc Liêu chi tiết định hướng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 thì bạn hãy tham khảo thông tin trong bài viết sau.
Bản vẽ hiện trạng phân bố dân cư và sử dụng đất của tỉnh Bạc Liêu
Bản vẽ định hướng phát triển không gian vùng tỉnh Bạc Liêu trong những năm tới
Phạm vi lập quy hoạch
Toàn bộ địa giới hành chính tỉnh Bạc Liêu, tổng diện tích tự nhiên 2.570,94 km2, bao gồm thành phố Bạc Liêu và 06 huyện (Hồng Dân, Phước Long, Hòa Bình, Vĩnh Lợi, Giá Rai và Đông Hải). Quy mô dân số là 873.293 người.
Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050
Quy mô dân số, quy mô đất đai:
Quy mô dân số
- Dự kiến đến năm 2020: Dân số toàn vùng khoảng 950.000 – 965.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 450.000 – 460.000 người, với tỉ lệ đô thị hóa khoảng 47-50%. Dân số nông thôn là khoảng 505.000 người.
- Dự kiến đến năm 2030: Dân số toàn vùng khoảng 1.100.000 – 1.120.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 690.000 – 700.000 người, với tỉ lệ đô thị hóa khoảng 55 – 60%. Dân số nông thôn là khoảng 420.000 người.
Quy mô đất đai
Tổng diện tích tự nhiên toàn vùng là 2.594 km2.
- Dự kiến quy mô đất xây dựng đô thị qua các giai đoạn:
- Đến năm 2020: khoảng 5.000 – 6.000 ha.
- Đến năm 2030: khoảng 12.000 – 13.000 ha.
- Dự kiến quy mô đất xây dựng điểm dân cư nông thôn qua các giai đoạn:
- Đến năm 2020: khoảng 4.000.
- Đến năm 2030: khoảng 5.500.
- Dự kiến quy mô đất xây dựng công nghiệp tập trung:
- Đến năm 2020: khoảng 700 ha.
- Đến năm 2030: khoảng 1.650 ha.
Quy hoạch sử dụng đất đai của tỉnh Bạc Liêu tới năm 2030
Mục tiêu, tầm nhìn quy hoạch tỉnh Bạc Liêu giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050
Mục tiêu:
Định hướng chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc tổ chức không gian kinh tế, đô thị – nông thôn, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kiến trúc cảnh quan của tỉnh một cách khoa học; kết nối và khai thác hiệu quả lợi thế các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của vùng, khu vực và quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Quy hoạch không gian xây dựng đô thị, nông thôn; không gian công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; không gian sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp; không gian du lịch, cảnh quan và không gian mở hài hòa gắn kết nhằm đảm bảo phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống, bảo vệ môi trường, tạo tiền đề xây dựng tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020 trở thành tỉnh công nghiệp, đến năm 2030 sẽ trở thành một trung tâm đô thị công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp hiện đại, trung tâm giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao và một số lĩnh vực cấp vùng, đóng vai trò động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của tiểu vùng phía Nam, trục hành lang kinh tế biển Đông và biển Tây của vùng ĐBSCL.
Tầm nhìn:
- Đến năm 2020, tỉnh Bạc Liêu cơ bản là tỉnh công nghiệp, đến năm 2030 sẽ trở thành một Trung tâm đô thị công nghiệp, thương mại dịch vụ và nông nghiệp hiện đại, phát triển cân bằng và bền vững.
- Tỉnh Bạc Liêu sẽ đóng vai trò là một trung tâm kinh tế của tiểu vùng phía Nam vùng đồng bằng sông Cửu Long, là đầu mối giao thông kết nối các trục hành lang kinh tế biển Đông và biển Tây của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
- Tỉnh Bạc Liêu sẽ là vùng phát triển nông nghiệp lúa chuyên canh, nông nghiệp đô thị và đánh bắt nuôi trồng thủy sản tập trung, vùng bảo vệ rừng ngập mặn và sự đa dạng sinh học; vùng phát triển du lịch sinh thái biển, du lịch văn hóa lịch sử đặc trưng của vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm đô thị sinh thái và hiện đại.
- Vùng phát triển có bản sắc văn hóa truyền thống, có cảnh quan đặc trưng, là vùng có chất lượng cuộc sống tốt, hài hòa và thân thiện với môi trường.
Phân bố các vùng chức năng của tỉnh Bạc Liêu giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050
Phân vùng phát triển kinh tế
Vùng tỉnh Bạc Liêu được phân thành 3 vùng phát triển kinh tế:
- Vùng I: Vùng trung tâm (phía Đông): Là vùng phát triển đô thị – công nghiệp – dịch vụ động lực của vùng tỉnh Bạc Liêu bao gồm đô thị trung tâm vùng là thành phố Bạc Liêu, hai huyện Hòa Bình và Vĩnh Lợi, là vùng phát triển đô thị, trung tâm công nghiệp; trung tâm du lịch, giải trí chất lượng cao cấp vùng và Quốc gia; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lúa, rau sạch, bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học; nuôi trồng, đánh bắt thủy sản lớn và tập trung.
- Vùng II: Vùng phía Bắc: Bao gồm hai huyện Hồng Dân và Phước Long, là vùng phát triển nông nghiệp chuyên canh, nuôi trồng thủy sản sinh thái, công nghiệp chế biến của tỉnh Bạc Liêu, là vùng phát triển đô thị tập trung, công nghiệp tập trung quy mô vừa, nông nghiệp chuyên canh và dịch vụ phân phối sản phẩm nông nghiệp, du lịch.
- Vùng III: Vùng kinh tế phía Tây: Bao gồm các huyện Giá Rai và Đông Hải; đây là vùng tiếp giáp với tỉnh Cà Mau và biển Đông, kết nối với vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long và trục hành lang kinh tế biển. Đô thị trung tâm của vùng là đô thị Giá Rai – Hộ Phòng. Bên cạnh đó, đô thị Gành Hào, đô thị Điền Hải cũng là động lực phát triển của vùng theo tiến trình phát triển chung của khu kinh tế Gành Hào; là vùng phát triển đô thị, vùng nuôi trồng thủy sản tự nhiên và công nghiệp; phát triển thương mại dịch vụ; phát triển du lịch sinh thái cảnh quan và khu kinh tế biển Gành Hào, cảng tổng hợp.
Phân bố hệ thống đô thị
Định hướng phát triển hệ thống đô thị trong vùng
- Đến năm 2020: Dự kiến có 13 đô thị (bao gồm 02 đô thị ghép), gồm: 01 đô thị loại II (thành phố Bạc Liêu), 01 đô thị loại III (thị xã Giá Rai), 04 đô thị loại IV (đô thị Điền Hải – Gành Hào, đô thị Phước Long – Ninh Quới A, thị trấn Hòa Bình, thị trấn Châu Hưng) và 07 đô thị loại V (thị trấn Ngan Dừa, các đô thị: Cái Cùng, Vĩnh Mỹ B, Vĩnh Hưng, Chủ Chí, Phó Sinh và Ba Đình).
- Đến năm 2030: Dự kiến có 14 đô thị gồm: 01 đô thị loại I (thành phố Bạc Liêu), 02 đô thị loại III (thị xã Giá Rai, thị xã Đông Hải), 04 đô thị loại IV (thị xã Phước Long và các thị trấn: Hòa Bình, Châu Hưng, Ngan Dừa) và 07 đô thị loại V (các đô thị: Cái Cùng, Vĩnh Mỹ B, Vĩnh Hưng, Chủ Chí, Phó Sinh, Ba Đình, Hưng Thành).
Hệ thống đô thị trung tâm vùng và trung tâm các tiểu vùng:
- Thành phố Bạc Liêu: Là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh Bạc Liêu và cấp vùng; là đầu mối giao thông của các trục hành lang kinh tế đô thị Quốc gia và Quốc tế; trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản của vùng; trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, thể thao và giải trí của tỉnh Bạc Liêu và vùng đồng bằng sông Cửu Long; có vị trí an ninh quốc phòng chiến lược trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.
- Đô thị Giá Rai – Hộ Phòng là đô thị loại IV, hạt nhân của thị xã Giá Rai vào năm 2015; là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo lớn thứ thứ hai của tỉnh; trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp, công nghiệp chế biến thủy sản tập trung; trung tâm nông nghiệp công nghệ cao và nuôi trồng thủy sản sinh thái của vùng phía Tây tỉnh Bạc Liêu; là cửa ngõ kết nối thành phố Cà Mau và kết nối hạ tầng giao thông quan trọng của quốc gia, cả đường bộ, đường hàng không và đường biển; là trung tâm tiểu vùng III của tỉnh Bạc Liêu.
- Đô thị Phước Long (huyện Phước Long) – Ninh Quới A (huyện Hồng Dân): Là đô thị loại IV, trung tâm kinh tế, văn hoá, của tiểu vùng II ; là trung tâm công nghiệp phụ trợ, chế biến nông sản, thủy sản; là trung tâm thương mại và du lịch làng nghề phía Bắc của tỉnh.
- Ngoài ra, tỉnh còn có các đô thị chức năng tổng hợp như: Đô thị Điền Hải (huyện Đông Hải), thị trấn Hòa Bình (huyện Hòa Bình), thị trấn Châu Hưng (huyện Vĩnh Lợi), thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân) và các đô thị chuyên ngành kinh tế như: Gành Hào (Đông Hải), Vĩnh Hưng, Hưng Thành (Vĩnh Lợi), Cái Cùng, Vĩnh Mỹ B, (Hòa Bình), Phó Sinh, Chủ Chí (Phước Long) và Ba Đình (Hồng Dân).
Tầm nhìn đến năm 2050
Tiếp tục đầu tư xây dựng các đô thị trung tâm vùng và tiểu vùng (thành phố Bạc Liêu, thị xã Giá Rai, thị xã Phước Long), nâng cao chất lượng đô thị hướng tới tăng trưởng kinh tế xanh, đáp ứng 100% các tiêu chi phân loại đô thị phù hợp định hướng quy hoạch tại các tiểu vùng. Phát triển
Phân bố các vùng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp
- Vùng công nghiệp trung tâm vùng (thành phố Bạc Liêu): Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ phát triển công nghiệp khác trong vùng.
- Vùng công nghiệp tập trung phía Bắc (huyện Phước Long, Hồng Dân): Đây là vùng phát triển công nghiệp phụ trợ cho sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề.
- Vùng công nghiệp tập trung phía Tây (huyện Giá Rai): Phát huy thế mạnh hiện có về công nghiệp chế biến thủy sản tại đô thị Giá Rai – Hộ Phòng, liên kết chặt chẽ với khu công nghiệp Láng Trâm, phát triển các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến thực phẩm; hình thành khu phi thuế quan và cảng biển nước sâu tổng hợp Gành Hào, là khu vực tạo động lực phát triển cho khu kinh tế Gành Hào và vùng kinh tế phía Tây của tỉnh.
- Tầm nhìn đến năm 2050: Tập trung phát triển khu kinh tế Gành Hào trở thành động lực phát triển kinh tế của tỉnh theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh. Phát triển hoàn chỉnh và khai thác lợi thế các khu công nghiệp Láng Trâm, khu tổ hợp công nghiệp – đô thị Ninh Quới.
Phân bố các vùng du lịch
- Trung tâm vùng du lịch (vùng 1): Tập trung các khu vui chơi giải trí, trung tâm nghỉ dưỡng cấp vùng như vườn chim Bạc Liêu, vườn nhãn cổ Bạc Liêu, rừng ngập mặn, biển, khu du lịch Nhà Mát, khu du lịch Cá Ông, du lịch sinh thái ven biển, khu nhà Công tử Bạc Liêu, chùa Quan Âm Phật đài, khu lưu niệm nghệ nhân Cao Văn Lầu và đờn ca tài tử Nam Bộ, đền thờ Bác Hồ, tháp cổ Vĩnh Hưng, khu du lịch Tắc Sậy.
- Cụm du lịch phía Tây (vùng 2): Thuộc vùng đô thị và khu kinh tế Gành Hào, bao gồm: Thị xã Đông Hải, thị xã Giá Rai; tổ chức dịch vụ tham quan khu kinh tế phi thuế quan, du lịch văn hóa lịch sử, lễ hội Nghinh Ông và khu di tích đồng Nọc Nạng, khu du lịch Tắc Sậy.
- Cụm du lịch phía Bắc (vùng 3): Thuộc vùng phát triển kinh tế và đô thị phía Bắc của tỉnh, bao gồm thị xã Phước Long – Ninh Quới A, đô thị Phó Sinh, đô thị Chủ Chí, thị trấn Ngan Dừa. Tổ chức và quy hoạch các tuyến du lịch làng nghề đan chiếu, các vườn chim tại huyện Phước Long, du lịch sinh thái nhà vườn (homestay), du lịch cảnh quan sông nước, khu căn cứ Tỉnh ủy ở xã Ninh Thạnh Lợi, du lịch lễ hội Ok Om Bok.
- Tầm nhìn đến năm 2050: Phát triển các tuyến liên kết du lịch tới các vùng thành phố Hồ Chí Minh, Mũi Cà Mau, du lịch Quốc tế, nâng cao chất lượng các tuyến du lịch.
Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật của tỉnh Bạc Liêu giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050
Giao thông đường bộ
Giao thông đối ngoại:
- Đường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau: Là tuyến kết nối giữa TP.Cần Thơ với tỉnh Hậu Giang, tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau. Tuyến chạy qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu trên huyện Hồng Dân, huyện Phước Long và huyện Giá Rai.
- Đường Hồ Chí Minh: Tuyến đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2 từ Bình Phước đến Cà Mau hiện nay đang được triển khai xây dựng. Có gần 5,6 km đi qua địa phận tỉnh Bạc Liêu thuộc địa bàn xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân. Dự kiến đạt cấp III đồng bằng.
- Quốc lộ 1A: Là tuyến huyết mạch nối thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long. Đoạn qua tỉnh Bạc Liêu dài 63km được nâng cấp mở rộng đạt tiêu chuẩn là đường cấp II đồng bằng.
- Quốc lộ Nam Sông Hậu: Là tuyến kết nối giữa thành phố Bạc Liêu đi tỉnh Sóc Trăng, Tỉnh Hậu Giang và đi thành phố Cần Thơ. Tuyến hiện tại đã đưa vào sử dụng đạt cấp III đồng bằng.
- Tuyến Quốc lộ dự kiến: Ba tuyến đường tỉnh trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu dự kiến chuyển thành quốc lộ trong tương lai gồm các tuyến đường ngang ĐT.978, ĐT.980, ĐT.981, dự kiến xây dựng đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng.
- Đường cao tốc Bạc Liêu – Rạch Giá – Hà Tiên: Tuyến nối giữa thành phố Bạc Liêu – thành phố Rạch Giá, định hướng đi thị xã Hà Tiên rồi qua cửa khẩu Quốc tế Xà Xía Prék Chak đi Campuchia. Đoạn qua địa bàn tỉnh từ phường Nhà Mát (thành phố Bạc Liêu) đi song song phía Đông Bắc kênh Xáng Ngan Dừa – Cầu Sập và qua các huyện Vĩnh Lợi, huyện Hồng Dân.
- Tuyến Quốc lộ dự kiến (Gành Hào – Giá Rai – Phó Sinh – Cạnh Đền): Tuyến từ đô thị Gành Hào qua thị xã Giá Rai, đô thị Chủ Chí và đi Quốc lộ 63 chạy dọc theo kênh Cạnh Đền – Phó Sinh, dự kiến đường đạt cấp III đồng bằng.
Giao thông trong tỉnh
- Đường tỉnh (Tỉnh lộ):
- Đường tỉnh ĐT.976, ĐT.981, ĐT.977 và đoạn ĐT.982 (từ ĐT.981 đi Gành Hào): Nâng cấp, mở rộng đạt tiêu chuẩn là đường cấp IV đồng bằng.
- Mở mới tuyến đường tỉnh chạy dọc kênh Cà Mau – Bạc Liêu phía Nam kênh và mở mới tuyến đường tỉnh từ ĐT.978B giao với ĐT.977, chạy hướng tâm vào TP. Bạc Liêu dọc theo kênh Giồng Me. Tuyến được mở rộng đạt tiêu chuẩn là đường cấp IV đồng bằng.
- Đường tỉnh ĐT.982, ĐT.977B, ĐT.979B, ĐT.982B nâng cấp mở rộng đạt tiêu chuẩn là đường cấp V đồng bằng.
- Đường huyện (Huyện lộ)
- Nâng cấp tuyến đường huyện từ thị trấn Hòa Bình đi thị xã Phước Long (ĐH.17) và tuyến đường huyện ĐH.36 (tuyến đê biển Đông) đạt tiêu chuẩn là đường cấp V đồng bằng.
- Nâng cấp, mở rộng các tuyến đường huyện, mở mới thêm một số tuyến đường huyện đạt tiêu chuẩn là đường cấp V, VI đồng bằng.
- Giao thông nông thôn
- Kế thừa và phát triển mạng lưới đường hiện có phù hợp với nhu cầu giao thông vận tải trước mắt và tương lai, kết nối liên hoàn với hệ thống đường Quốc gia, đường tỉnh và đường huyện. Kết hợp với mạng lưới quy hoạch thủy lợi, quy hoạch dân cư và các công trình xây dựng hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.
- Đảm bảo liên hệ thuận tiện với hệ thống đường huyện, đường tỉnh tạo thành mạng lưới đường hoàn chỉnh.
- Mở rộng, nâng cấp các tuyến đường theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đường giao thông nông thôn. Đầu tư các trục đường liên xã, liên thôn, cứng hóa mặt đường và đồng bộ hóa cầu cống đạt tiêu chuẩn kỹ thuật.
- Giao thông đô thị
- Phát triển mạng lưới giao thông đô thị hiện đại, nhựa hóa 100%, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách, liên hệ thuận lợi trong và ngoài đô thị.
- Quản lý xây dựng hệ thống giao thông đô thị theo các đồ án quy hoạch chung đô thị đã được phê duyệt.
- Nâng cấp và xây dựng mới các tuyến đường hướng tâm và đường tránh thành phố Bạc Liêu. Xây dựng thành phố thành trung tâm đầu mối giao thông của tỉnh.
- Từng bước hoàn chỉnh, đồng bộ hóa các tuyến trục giao thông, nút giao thông đô thị, hiện đại hóa mạng lưới đường nội thị gắn với chỉnh trang đô thị, kết hợp các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm.
- Tỷ lệ đất giao thông đô thị phụ thuộc quy mô cấp hạng của các đô thị nhưng phải đạt được 18-25% quỹ đất xây dựng đô thị.
- Công trình phục vụ giao thông
- Bến xe đối ngoại: Nâng cấp các bến xe liên tỉnh tại thành phố Bạc Liêu, thị xã Giá Rai, thị xã Phước Long và thị xã Đông Hải, quy mô 3 – 7 ha.
- Bãi đỗ xe: Tại thành phố Bạc Liêu xây dựng bãi đỗ xe ô tô công cộng tại các trung tâm khu đô thị, bãi đậu xe tại các khu du lịch, trung tâm thương mại.
- Giao thông đường thủy
- Nạo vét, bảo dưỡng thường xuyên luồng tàu chạy, duy trì mực nước tĩnh không thông thuyền.
- Nâng cấp và xây mới các đường dẫn từ các điểm tập trung đến các trục đường bộ và đường thủy chính.
- Trang bị phao tiêu tín hiệu, cải thiện chất lượng dịch vụ, hệ thống Logistics đem lại hiệu quả cao trong vận tải thủy.
- Hệ thống cảng
- Cảng biển Gành Hào: Diện tích 3,5ha, có công suất 1,5 triệu tấn/năm, tiếp nhận được tàu có tải trọng 5.000 – 10.000 tấn.
- Xây dựng mới cảng biển tổng hợp tại khu kinh tế Gành Hào. Cảng được xây dựng là cảng hỗn hợp, kết nối giữa hệ thống cảng biển trong khu vực: Cảng Gành Hào, cảng Hòn Khoai (Cà Mau), cảng Mỹ Thạnh, cảng Sài Gòn, cụm cảng Quốc tế Cái Mép (Vũng Tàu), cảng Vân Phong (Khánh Hòa) và kết hợp với mạng lưới đường sông, kênh, rạch trong tỉnh giúp thúc đẩy phát triển về công nghiệp và du lịch của tỉnh.
- Các bến đường thủy nội địa trên các sông, kênh chính: xây dựng và kiên cố hóa, là điểm trung chuyển giữa vận tải đường bộ và đường thủy
Trên đây là thông tin bản đồ quy hoạch tỉnh Bạc Liêu định hướng đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050. Để tìm hiểu thêm thông tin quy hoạch của tỉnh Bạc Liêu cũng như các tỉnh thành khác thì bạn hãy truy cập website: nhadatclub.com. Nhà đất Club sàn giao dịch bất động sản, kênh cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác.