Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Hạ tầng: Quy hoạch và Phát triển » Quy hoạch thành phố Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050

Quy hoạch thành phố Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050

    Thành phố Cần Thơ là một trong năm thành phố trực thuộc Trung ương, có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. Dưới đây là một số thông tin được tổng hợp liên quan đến quy hoạch Thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nhà đất Club hy vọng nội dung bài viết sẽ giúp ích cho bạn đọc trong việc tìm hiểu quy hoạch, từ đó biết được tầm nhìn, định hướng phát triển của địa phương. Đặc biệt, với các nhà đầu tư bất động sản, đây là nội dung cực kỳ quan trọng, là cơ sở để đi trước đón đầu cơ hội, nhận diện tiềm năng của thị trường.

    Bản vẽ hiện trạng tỉnh Cần Thơ
    Bản vẽ hiện trạng tỉnh Cần Thơ

    Bản vẽ hiện trạng tỉnh Cần Thơ

    Tổng quan về quy hoạch Thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn 2050

    Phạm vi và tính chất lập điều chỉnh quy hoạch

    Phạm vi điều chỉnh quy hoạch

    Bao gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Cần Thơ với diện tích đất khoảng 1.409km2 (140.895ha)

    Tính chất của quy hoạch

    • Là đô thị loại I trực thuộc Trung ương; trung tâm về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khoa học – công nghệ, y tế, giáo dục – đào tạo, văn hóa – thể thao – du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
    • Là đầu mối giao thương quốc tế quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long và quốc gia, cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mê Kông.
    • Có vị trí chiến lược an ninh quốc phòng quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long và quốc gia.
    Bản đồ định hướng phát triển không gian
    Bản đồ định hướng phát triển không gian

    Mục tiêu quy hoạch thành phố Cần Thơ

    Phát triển thành phố Cần Thơ trở thành thành phố cấp quốc gia, văn minh, hiện đại, đô thị trung tâm động lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long và đô thị cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mekong; góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long và có tầm ảnh hưởng trong vùng Đông Nam Á.

    Phát triển không gian thành phố theo hướng phát triển toàn diện, cân bằng và bền vững, bảo đảm an ninh quốc phòng; phát triển hài hòa với cảnh quan tự nhiên, phát huy bản sắc đô thị sông nước, đô thị sinh thái đặc trưng vùng đồng bằng sông Cửu Long.

    Quy mô dân số và đất đai

    • Đến năm 2020, dân số thành phố Cần Thơ khoảng 1,5 triệu đến 1,6 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 1,1 – 1,2 triệu người. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70% – 75%.
    • Đến năm 2030, dân số thành phố Cần Thơ khoảng 1,9 – 2,0 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 1,5 – 1,6 triệu người. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 75% – 80%.
    • Hiện trạng đất xây dựng đô thị (gồm cả đất công nghiệp và đất khác ngoài đô thị) khoảng 14.500ha, chiếm khoảng 10,29% diện tích tự nhiên của thành phố Cần Thơ.
    • Đến năm 2020: Đất xây dựng đô thị khoảng 19.000ha, trong đó đất dân dụng khoảng 9.000ha.
    • Đến năm 2030: Đất xây dựng đô thị khoảng 28.000ha, trong đó đất dân dụng khoảng 14.500ha.

    Mô hình phát triển không gian đô thị

    Mô hình phát triển theo chuỗi các khu đô thị tập trung, đa trung tâm trong vùng đô thị nội thành và các đô thị vệ tinh trung tâm huyện. Phát triển đô thị xanh và mặt nước, có không gian đô thị nén, đan xen với mặt nước và các dải cảnh quan xanh.

    Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030
    Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030

    Quy hoạch phát triển không gian Thành phố Cần Thơ

    Phân vùng phát triển

    Vùng phát triển đô thị – công nghiệp khu vực nội thành: có diện tích 26.250ha, bao gồm:

    • Khu đô thị trung tâm: khu đô thị truyền thống Ninh Kiều – Bình Thủy có diện tích 8.100ha; khu đô thị – công nghiệp Trà Nóc có diện tích 2.850ha; khu đô thị – công nghiệp Cái Răng có diện tích 4.800ha; khu đô thị sinh thái Phong Điền có diện tích 1.500ha;
    • Khu đô thị mới Ô Môn có diện tích 4.700ha;
    • Khu đô thị – công nghiệp Thốt Nốt có diện tích 4.300ha.

    Vùng phát triển đô thị – công nghiệp khu vực ngoại thành: Có diện tích 1.750ha, bao gồm các đô thị thuộc huyện: Thị trấn Cờ Đỏ (diện tích 425ha); thị trấn Thới Lai (diện tích 500ha); thị trấn An Thạnh (diện tích 275ha) với chức năng là các đô thị vệ tinh hỗ trợ khu vực trung tâm thành phố.

    Vùng phát triển nông thôn và nông nghiệp: có diện tích khoảng 100.500ha, bao gồm:

    • Các điểm dân cư nông thôn tập trung có diện tích khoảng 2.113ha
    • Đất sản xuất nông nghiệp có diện tích khoảng 73.000ha, bao gồm vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao khoảng 15.000ha tại phía Đông đường cao tốc mới, gắn với các khu đô thị, công viên sông Hậu.
    • Đất bảo tồn cây xanh có diện tích khoảng 25.395ha

    Vùng cây xanh cảnh quan, công viên chuyên đề và không gian mở: có diện tích khoảng 10.100ha trong các vùng phát triển đô thị – công nghiệp và vùng nông thôn và nông nghiệp, bao gồm:

    • Công viên sông Hậu: là công viên chuyên đề cấp vùng, công viên nông nghiệp công nghệ cao.
    • Công viên tuyến: phân bố dọc trục xương sống đô thị, tạo hành lang xanh và không gian mở cho các đô thị.
    • Dải cù lao dọc sông Hậu là nơi tập trung các dịch vụ sinh thái và giải trí thể thao, sân golf.
    Quy hoạch phát triển không gian đô thị
    Quy hoạch phát triển không gian đô thị

    Định hướng phát triển không gian đô thị

    Khu đô thị trung tâm

    Khu đô thị truyền thống Ninh Kiều – Bình Thủy

    • Là khu vực trung tâm lịch sử truyền thống, bố trí trung tâm chính trị – hành chính thành phố, trung tâm tiếp vận về đường bộ, đường thủy và đường hàng không.
    • Trung tâm thể dục thể thao cấp thành phố và cấp vùng; trung tâm giáo dục đào tạo cấp vùng và cấp quốc gia;
    • Trung tâm y tế đa khoa, chuyên khoa cấp thành phố và cấp vùng; trung thương mại, dịch vụ và tài chính cấp thành phố và cấp vùng.
    • Các khu ở hỗn hợp, khu ở chỉnh trang, khu ở tập trung.
    • Hình thành ba khu dịch vụ công cộng mới tại khu vực sân bay quốc tế Cần Thơ, trục đường Nguyễn Văn Cừ và trục đường Võ Văn Kiệt.
    • Sông Hậu, sông Cần Thơ, rạch Cái Khế, sông Bình Thủy, tuyến công viên mới, vườn cây ăn trái tiếp giáp Phong Điền, khu du lịch sinh thái cồn Khương, tạo thành hệ khung cảnh quan chính trong khu đô thị.

    Khu đô thị công nghiệp Cái Răng

    • Là trung tâm công nghiệp và dịch vụ cảng, đầu mối giao thông về đường bộ, đường thủy và đường sắt, trung tâm tiếp vận về dịch vụ cảng và dịch vụ hậu cần – kho bãi cấp vùng.
    • Trung tâm dịch vụ – thương mại cấp thành phố và cấp vùng, trung tâm văn hóa cấp vùng, các khu ở tập trung và ở sinh thái nhà vườn.
    • Phát triển các khu đô thị, dân cư tập trung mới, chỉnh trang và khu nhà vườn.
    • Bố trí văn phòng và kinh doanh thương mại dọc trục đường chính; khu trung tâm thương mại dịch vụ quy mô lớn gắn với nhà ga đường sắt mới.
    • Các khu dịch vụ công cộng cho khu đô thị, trường đại học, bệnh viện.
    • Khai thác không gian sống cần Thơ là trục cảnh quan chính của đô thị.
    • Phát triển cảng biển Cái Cui, khu công nghiệp, dịch vụ logistics.

    Khu đô thị – công nghiệp Trà Nóc

    • Là trung tâm công nghiệp chuyên ngành, công nghiệp điện năng cấp vùng, đầu mối giao thông đường thủy – cảng tổng hợp cấp vùng, trung tâm thương mại dịch vụ cấp thành phố và khu đô thị, các khu ở tập trung nén và khu ở mật độ thấp.
    • Phát triển không gian đô thị và công nghiệp bố trí dọc sông Hậu và quốc lộ 91. Không gian cảnh quan bao gồm tuyến công viên sinh thái có khu vực bán ngập nước, hồ nước dọc quốc lộ 91, vùng nông nghiệp công nghệ cao ở phía Bắc.
    • Không gian dịch vụ công cộng khu đô thị, thương mại, phát triển hỗn hợp bố trí trên trục quốc lộ 91 và quốc lộ 91B.
    • Các khu chỉnh trang, khu ở tập trung, khu ở nhà vườn bố trí phía Nam quốc lộ 91 giáp cảng hàng không quốc tế Cần Thơ.

    Khu đô thị sinh thái Phong Điền

    • Là trung tâm hành chính, chính trị của quận Phong Điền trong tương lai. Trung tâm du lịch văn hóa – sinh thái, trung tâm bảo tồn cảnh quan vườn cây ăn trái.
    • Phát triển không gian sinh thái gắn thiên nhiên sông, rạch, vườn cây ăn trái, vùng lá phổi xanh, cảnh quan đặc trưng của thành phố Cần Thơ.
    • Trung tâm hành chính quận và dịch vụ công cộng khu đô thị, dịch vụ du lịch bố trí trên đường tỉnh 923 và giao điểm của sông Cần Thơ và kênh Xà No.
    • Các khu ở sinh thái nhà vườn bố trí dọc đường tỉnh 923.
    • Khu di tích lịch sử văn hóa Lộ Vòng Cung, du lịch văn hóa bản địa chợ nổi Phong Điền, du lịch sinh thái trên sông, kênh, rạch và vườn cây ăn trái.

    Khu đô thị mới Ô Môn

    • Là khu đô thị mới, đầu mối giao thông về đường bộ, đường thủy, đường sắt, trung tâm giao dịch quốc tế, trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ, giáo dục – đào tạo cấp quốc gia và quốc tế.
    • Trung tâm tài chính, thương mại – dịch vụ cấp quốc gia.
    • Trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công viên chuyên đề nông nghiệp công nghệ cao sông Hậu.
    • Trung tâm văn hóa – hội chợ triển lãm cấp vùng và quốc gia.
    • Trung tâm du lịch cảnh quan và sinh thái cấp vùng, các khu ở tập trung, khu ở sinh thái vườn.
    • Phát triển không gian dọc trục giao thông chính gắn kết với hồ điều hòa ở phía Bắc khu đô thị và sông Ô Môn kết nối với trung tâm hành chính quận hiện nay.
    • Các khu ở tập trung nén và các khu ở nhà vườn bố trí hai bên trục giao thông đô thị, trung tâm công nghiệp công nghệ cao bố trí ở phía Nam khu đô thị, giáp trục đường cao tốc.
    • Không gian cảnh quan bao gồm tuyến công viên, các hồ nước, công viên sông Hậu, vùng nông nghiệp công nghệ cao được bố trí bao quanh và đan xen phần phát triển đô thị.

    Khu đô thị – công nghiệp Thốt Nốt

    • Là trung tâm công nghiệp chế biến nông sản, thủy hải sản và công nghiệp phụ trợ, trung tâm kho vận cấp vùng, trung tâm thương mại – dịch vụ cấp thành phố và cấp vùng, trung tâm du lịch sinh thái cảnh quan trên sông Hậu và các khu ở tập trung và ở sinh thái.
    • Phát triển không gian gắn với các trục giao thông về đường bộ và đường thủy, bao gồm đường Hồ Chí Minh – cầu Vàm Cống, quốc lộ 80 và trục xương sống đô thị, tuyến sông Hậu và kênh Cái Sắn.
    • Khu đô thị được định hướng phát triển khu cảng, khu công nghiệp đa ngành, gắn với quốc lộ 80 và tuyến đường Hồ Chí Minh.
    • Kết nối với khu công nghiệp tập trung Vàm Cống của tỉnh An Giang tạo thành khu công nghiệp trung lớn của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
    • Phát triển khu ở sinh thái, nhà vườn bố trí phía Tây khu đô thị.
    • Công viên tuyến kết nối với các hồ nước, kết nối với sông và kênh rạch tạo thành một tổng thể về cảnh quan và không gian mở.

    Định hướng không gian các khu dân cư đô thị

    Các khu ở đô thị chỉnh trang và phát triển hỗn hợp: tập trung chủ yếu tại quận Ninh Kiều và Bình thủy, một phần tại các khu đô thị hiện hữu thuộc quận Ô Môn, Thốt Nốt và các khu dân cư trung tâm các đô thị ngoại thành như Phong Điền, Thới Lai, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ.

    Các khu ở đô thị tập trung mật độ cao: tập trung chủ yếu tại 3 khu đô thị, khu đô thị mới Ô Môn, khu đô thị Ninh Kiều – Bình Thủy và khu đô thị – công nghiệp Cái Răng, chiếm khoảng 38% tổng diện tích khu ở của toàn thành phố.

    Các khu ở đô thị nhà vườn mật độ thấp: phân bố tại vùng phía ngoài của trung tâm các khu đô thị, trong đó có 4 khu đô thị gồm khu đô thị Thốt Nốt, Ô Môn, Phong Điền, Cái Răng, và các đô thị ngoại thành chiếm khoảng 42% tổng diện tích khu ở của toàn thành phố.

    Từng bước đưa các cơ sở công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, kho tàng xen lẫn các khu dân cư gây ô nhiễm môi trường ra các khu, cụm công nghiệp tập trung để chuyển những khu đất này sang các chức năng phát triển khu ở mới, hạ tầng xã hội và kỹ thuật.

    Khuyến khích các cơ sở công nghiệp hiện hữu dọc theo sông Hậu và các sông rạch chuyển đổi công năng khác để phục vụ cho sự phát triển đô thị.

    Quy hoạch giao thông tỉnh Cần Thơ
    Quy hoạch giao thông tỉnh Cần Thơ

    Quy hoạch giao thông thành phố Cần Thơ

    Giao thông đối ngoại

    Đường bộ:
    • Xây dựng, hoàn thiện hệ thống đường cao tốc, gồm: tuyến Tp. Hồ Chí Minh – Cần Thơ, tuyến Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng; tuyến Cần Thơ – Cà Mau, tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn đi qua thành phố Cần Thơ từ cầu mới qua sông Hậu).
    • Cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ 1A, 80, 91B, Nam sông Hậu.
    • Cải tạo, nâng cấp các tuyến đường tỉnh kết nối khu vực nội ô với các đô thị ngoại thành, giữa các thị trấn ngoại thành và với các đô thị khác trong vùng.
    • Xây dựng mới cầu qua sông Hậu tại quận Thốt Nốt. Trong định hướng dài hạn, xây dựng mới cầu qua sông Hậu tại quận Ô Môn.
    • Cải tạo, xây mới theo cấp hạng của đường đối với các cầu khác trên hệ thống đường giao thông đối ngoại.
    Đường thủy:
    • Tăng cường cải tạo nạo vét luồng lạch các tuyến giao thông thủy quốc gia: sông hậu, kênh Cái Sắn, sông Cần Thơ, kênh Xà No, sông Ô Môn, kênh Thị Đội, kênh Thốt Nốt.
    • Hoàn thiện, nâng cao năng lực của cụm cảng Cần Thơ, bao gồm các khu bến Cái Cui, Hoàng Diệu – Bình Thủy, Trà Nóc – Ô Môn, trong đó Cái Cui là khu bến chính, là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực.
    • Xây mới và nâng cấp các bến cảng, bến tàu trên các tuyến giao thông thủy quốc gia phục vụ cho vận tải hàng hóa và hành khách, đồng thời sẽ xây dựng thêm một số bến tàu tại các điểm đô thị mới để tăng cường năng lực vận tải thủy của thành phố.
    Đường sắt:
    • Xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ và các tuyến rẽ đi Long Xuyên và Cà Mau.
    Đường hàng không:
    • Nâng cấp Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ để có thể đón nhận các loại máy bay lớn đạt tiêu chuẩn cấp hạng sân bay 4E theo tiêu chuẩn ICAO và sân bay quân sự cấp II, công suất khoảng 4 – 5 triệu hành khách/năm và 400.000 – 500.000 tấn hàng hóa/năm.

    Giao thông đô thị

    Đường bộ:

    Khu vực các quận nội đô:

    • Xây mới, cải tạo, hoàn thiện các tuyến đường trục chính đô thị đồng bộ với các nút giao thông, đảm bảo kết nối giữa các tuyến đường đối ngoại với mạng lưới đường chính của thành phố.
    • Các trục chính của đô thị hiện hữu gồm: Quốc lộ 91, quốc lộ 91B, quốc lộ Nam Sông Hậu, đường Mậu Thân, đường Võ Văn Kiệt, đường 30 tháng 4, đại lộ Hòa Bình, đường Trần Phú, đường Hùng Vương, đường Trần Hưng Đạo, đường Nguyễn Văn Cừ.
    • Cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các tuyến đường chính khu vực theo định hướng quy hoạch của các khu đô thị. Quản lý lộ giới các tuyến đường theo quy hoạch đảm bảo thuận lợi cho việc nâng cấp, mở rộng trong tương lai.

    Các thị trấn:

    • Mạng lưới đường phát triển trên cơ sở kết hợp giữa nâng cấp cải tạo hệ thống đường hiện hữu với xây dựng mới đồng bộ và hiện đại, phù hợp với điều kiện tự nhiên sinh thái đặc thù của các thị trấn, đảm bảo liên hệ nhanh chóng với đô thị trung tâm và các đô thị khác.

    Giao thông tỉnh

    • Nâng cấp bến xe hiện hữu tại quốc lộ 91B, bến xe Ô Môn, Thốt Nốt, ngã ba Lộ Tẻ, các bến xe khách tại các thị trấn ngoại thành.
    • Xây dựng mới bến xe chính tại khu vực quận Cái Răng với diện tích dự kiến khoảng 15 – 20 ha, các bến xe kết nối với hệ thống giao thông đường sắt, đường hàng không, đường thủy.
    • Các bến xe hiện hữu trong nội ô sẽ chuyển thành các bến xe buýt, phương tiện giao thông công cộng.
    • Bố trí các bãi đỗ xe tại các khu vực trung tâm công cộng của đô thị.

    Nút giao thông

    • Tại các điểm giao, cắt giữa các trục giao thông đối ngoại, đường cao tốc, đường sắt và các trục đường chính của thành phố cần thiết phải xây dựng các nút giao thông khác cốt để đảm bảo tốc độ và an toàn giao thông.

    Cầu

    • Cải tạo, nâng cấp và xây mới các cầu trong thành phố để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về giao thông vận tải.
    • Các cầu sẽ được xây dựng theo cấp hạng, chiều rộng và tải trọng của các tuyến đường đồng thời phải đảm bảo tĩnh không thông thuyền theo cấp hạng của các tuyến sông, rạch.

    Giao thông công cộng

    • Tổ chức giao thông công cộng trong thành phố bằng hệ thống xe buýt nối các khu đô thị có nhu cầu giao thông cao theo các trục đường chính.
    • Dự kiến xây dựng các tuyến xe điện nối các khu đô thị của thành phố.

    Đường thủy

    • Tăng cường nạo vét, tạo cảnh quan trên các tuyến giao thông thủy nội địa do thành phố quản lý.
    • Khi xây dựng các công trình vượt sông cần đảm bảo tĩnh không và cấm lấn chiếm bờ sông làm ảnh hưởng tới khả năng lưu thông của các phương tiện khác.
    • Bố trí bến tàu khách chính, bến tàu du lịch tại khu vực trung tâm đô thị truyền thống.
    • Cải tạo và xây dựng thêm các bến tàu hàng hóa và bến tàu hành khách trên các tuyến sông chính của thành phố.

    Trên đây là thông tin chi tiết về bản đồ quy hoạch Cần Thơ. Để cập nhật thêm các thông tin về thị trường bất động sản tại Cần Thơ và các tỉnh thành khác trên cả nước, truy cập Nhà đất Club ngay!

    Theo: quyhoach.xaydung.gov.vn